Anh kể, nhiều đêm các anh đã phải bò đi đào sắn của dân về luộc ăn
cho đỡ đói. Bởi sau tháng 2 năm 1979 thì đồng bào các
tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta đã trở nên nghèo lắm. Họ đã bị bọn bành
trướng cướp sạch, đốt sạch, phá sạch nên từ quần áo, chiếu chăn...cái gì dân
cũng thiếu, anh buồn rầu kể.
Anh là lính thông tin nên thỉnh thoảng lại phải về đơn vị chính đóng tại
Hà Đông để lấy thêm khí tài mang lên biên giới. Dạo đó, em mới ngoài hai mươi
tuổi chưa có người yêu. Em đang làm công nhân cho một nhà máy tại Hà Đông gần kề
đơn vị chính của anh đóng nên tình cờ em đã quen anh. Mỗi lần từ biên giới Vị
Xuyên, Hà Giang về, anh đều có quà cho em. Lúc thì cái túi thổ cẩm của người
Dao, lúc thì cái khăn tay của người Hà Nhì...Rồi không biết tự bao giờ, em đã
thầm yêu anh lính thông tin “trọ trẹ” ấy. Khi tình yêu đầu đã chín và anh hứa sẽ
làm lễ cưới thì em đã không còn giữ được mình nữa.
Khi em cho anh biết là em đã có thai được hai tháng thì anh mừng lắm.
Nhưng khi em nói đến đám cưới thì anh cứ khất lần. Anh nói, hiện tại anh chưa
thể xin nghỉ phép được để đưa em về trình diện bố mẹ anh ở mãi Hà Tĩnh. Đợi một
thời gian nữa, tình hình biên giới đỡ căng thẳng thì anh sẽ xin nghỉ phép về
làm lễ cưới. Dạo đó dù đồng lương công nhân của em vô cùng ít ỏi, nhưng em vẫn
cố dành dụm để mỗi lần anh về thăm, em lại đưa cho anh vài chục đồng mang đi.
Ngày em sinh con gái tại nhà hộ sinh Hà Đông, các bạn em đã đến tận đơn
vị của anh nhắn tin cho anh về thì mới hay, anh đã có vợ và hai cô con gái tại
quê nhà Hà Tĩnh mấy năm nay rồi. Không biết có phải tại vì anh sợ sẽ bị kỷ luật
hay vì em đã sinh con gái mà anh lại đang khát con trai? Mà từ đó, không thấy
anh đến thăm em một lần nào nữa.
Rồi từ ngày ấy, hai mẹ con em đã phải sống dặt dẹo bằng đồng lương công
nhân ít ỏi thời bao cấp suốt bao nhiêu năm trời trong sự đợi chờ vô vọng một lần
được anh đến thăm con gái mà vẫn bặt vô âm tín. Một thời gian sau, các anh ở
bên đơn vị của anh cho biết, anh đã bị thương ở Vị Xuyên, đã chuyển về Nghệ
Tĩnh an dưỡng lâu lắm rồi. Thôi, âu đây cũng là số mệnh của mình! Em đành bỏ
ngoài tai những lời đàm tiếu “không chồng có chửa mới ngoan” của mọi người, lầm
lũi cắn răng chịu đựng để nuôi đứa con gái nhỏ vô tội cứ khóc hoài vì khát sữa.
Không biết có phải do trời thương hay không mà con gái em cứ lớn lên
tròn như củ khoai, không sài đẹn ốm đau gì dài ngày cả. Đến tuổi đi nhà trẻ, nó
thấy các bạn trong lớp có bố đón, nên có lần con gái đã hỏi em: “Mẹ ơi, bố con
đi đâu mà không một lần đến đón con, hả mẹ?” Không còn cách nào khác, em đành
phải nói dối con gái: “Bố con đi bộ đội đánh quân bành trướng ở mãi Vị Xuyên,
Hà Giang và hiện nay đang bị mất tích, giờ chưa biết ở đâu, con ạ. Con hãy
ngoan ngoãn hay ăn chóng lớn. Thế nào rồi bố cũng sẽ về với mẹ con mình, con rõ
chưa?” Nhưng rồi cháu nó vẫn chưa chịu buông tha cho em:
-Thế quân bành trướng là ai mà bố phải đi đánh hả mẹ? Bố mất tích nghĩa
là sao hả mẹ? Sao bố mất tích lại không thể về để đón con được, hả mẹ? Tại sao
có lần con nghe các cô giáo thì thầm “con bé này không có bố” nghĩa là sao, hả
mẹ?...
Nghe những câu hỏi ngây thơ của con trẻ mà lòng em thêm xót xa, đau đớn.
Nhà đã không có tiền để cho con gái được ăn ngon mặc đẹp bằng con nhà người ta.
Tối về lại chỉ một mẹ một con trong nửa gian nhà cấp 4 dột nát. Thương con mà
đành phải nuốt nước mắt vào trong để đêm đến còn phải gượng cười đọc cho con
gái nghe những câu chuyện cổ tích về ông Bụt, bà Tiên...Con các bác, các cô
trong nhà máy lớn lên được là nhờ sữa, nhờ thịt, nhờ cá...Còn con gái em thì lớn
lên chỉ nhờ vào những câu chuyện cổ tích với cơm độn rau và cá mắm thôi. Nhưng
không hiểu sao kể từ ngày đi học lớp Một, năm nào cháu cũng được đứng đầu lớp.
Có lần cháu thủ thỉ với em, “Con phải học thật giỏi thì ông Bụt, bà Tiên
mới thương và phù hộ, phải không mẹ?” Em cũng không biết có phải nhờ ông Bụt,
bà Tiên phù hộ hay không mà cháu học một mạch lên đến lớp 12 năm nào cũng đạt
danh hiệu học sinh giỏi, anh ạ. Mà cháu có được đi học thêm buổi nào đâu vì em
chỉ nuôi nó ăn, nó mặc, đóng góp cho nhà trường thôi cũng còn chưa đủ tiền mà.
Những năm nó học PTTH, buổi tối nó còn phải giúp em đẩy xe bán bánh mỳ, nước
mía ra đường Nguyễn Trãi rồi đêm đến lại ra đón em đẩy xe về. Một đêm trời mưa
to, cả hai mẹ con ướt như chuột lột. Đêm về, nhà lại dột tý tách, nên cả hai mẹ
con đều không ngủ được. Bỗng nó ôm chặt em vào lòng rồi òa lên khóc:
-Con thương mẹ vô cùng, mẹ ạ. Chuyện về bố, mẹ không kể cho con nghe
nhưng con đã biết từ rất lâu rồi. Mẹ chính là bà Tiên của con, bà Tiên có thực
ngoài đời. Vì thương mẹ mà con đã gắng hết sức học giỏi để mẹ vui lòng, mẹ có
biết không? Còn ông Bụt của con là Đức Phật trong Chùa Đỏ. Con đã đi chùa Đỏ 3
năm nay rồi nhưng con dấu mẹ vì sợ sẽ bị mẹ mắng. Vì mẹ không có thời gian đi
chùa nên mẹ không thấu hiểu được phép nhiệm mầu của lời niệm “Nam mô A Di Đà
Phật!” ngày ngày. Con lạy mẹ đừng giận con vì đã dấu mẹ chuyện này, mẹ nhé!
Lời tâm sự hôm ấy của cháu đã làm cho em bị sốc và bị mất ngủ hơn nửa
tháng trời. Biết là cái kim trong bọc lâu ngày còn bị tòi ra huống hồ đây là một câu chuyện rất lớn và hệ trọng trong cuộc đời. Nhưng em muốn đợi để cháu thi đại học xong rồi mới nói.
Ai ngờ!
Ngày thi vào đại học, nó đậu
cả hai trường một lúc nhưng em khuyên cháu học ở một trường gần nhà để đi về bằng
xe đạp cho tiện. Nó vừa đi học vừa đi dạy kèm để kiếm thêm tiền đỡ mẹ. Hai năm
cuối, cháu xin đi làm thêm tại một doanh
nghiệp nên vừa tốt nghiệp xong đã có cơ quan nhận cháu vào làm việc. May thay,
tại đó cháu đã gặp được một chàng trai con nhà nghèo học trước nó hai khóa yêu
thương. Vài năm sau cháu đã có một đám cưới đàng hoàng chứ không phải lỡ làng
như đời mẹ cháu ngày xưa. Hai năm sau ngày cưới, chồng cháu đã tìm được một suất
học bổng thạc sĩ tại Mỹ. Rồi năm sau nữa, chồng cháu lại tìm thêm được một suất
học bổng khác cho vợ sang Mỹ học để vợ chồng được gần nhau.
Vậy là từ đó em phải sống một mình buồn lắm. Do có nhiều thời gian rỗi
nên em đã theo chị em đi lễ các chùa cho vui thôi. Vì em không tin là có trời,
có Phật. Nếu có trời Phật, thì tại sao người hiền lành như em lại phải sống một
cuộc đời lận đận như thế? Nếu có trời Phật, thì tại
sao người nghèo ngày càng nghèo đi, người giàu lại ngày càng giàu lên nhanh như
thế, hả anh?
Nhưng rồi đến một ngày, em đã thấu hiểu được Phật pháp. Em đã ngộ ra,
nếu kiếp trước mình đã gây ra nghiệp chướng thì kiếp này ắt phải trả nghiệp. Đời
mình làm điều ác thì đời các con mình sẽ phải chịu tai ương. Phải chi đời cha mẹ
của chúng ta đã có một thời đập phá chùa chiền, bỏ đói các nhà sư... nên sau
này chúng ta đã phải trả nghiệp, đúng không anh? Đấy là điều mà em đã ngộ ra sau mấy lần
đi nghe giảng pháp tại chùa Khai Nguyên cùng với vợ chồng anh đó.
Năm ngoái con gái em đã sinh cháu đầu lòng tại Mỹ. Chúng đã đón em sang
chơi với cháu. Do thay đổi khí hậu nên mới sang được hơn một tháng, em đã bị
tai biến khá nặng. Nằm bệnh viện bên Mỹ, em thấy rất lạ là họ chăm sóc bệnh
nhân rất tận tình mà không phải phong bì phong bao gì cả. Đến ngày ra viện, họ
còn giảm cho em được tới 80% tiền viện phí vì con em đang đi học. Bây giờ nghĩ lại,
em mới thấy tiếc là, tại sao cuộc đời em đã không được khai mở về Phật pháp sớm
hơn.
Ơn trời, năm nay sức khỏe của em đã ổn định. Tháng trước con gái em bế
con về nước chơi được hai tuần thì đi vì trời nóng quá nên cháu bé bị ốm. Tháng
sau, vợ chồng nó lại mua vé cho em bay sang Mỹ chơi 6 tháng để tránh cái nóng hầm
hập bên cạnh con đường Nguyễn Khuyến của khu Văn Quán. Trước khi đi, nó đã khẩn
khoản cầu xin em:
-Mẹ ơi, con nghe bạn con nói bố con hiện nay đang sống ở Hà Tĩnh khổ lắm.
Bố đã già yếu lại bị vết thương do bọn bành trướng gây ra hành hạ nên chẳng biết
sẽ còn sống được bao lâu nữa. Con xin mẹ hãy cho phép chúng con thỉnh thoảng
được gửi thuốc men về chữa trị cho bố, được không hả mẹ? Mẹ hãy tha thứ cho bố
của con để chúng con có thêm được một người cha và mẹ cuối đời cũng sẽ được
nhẹ lòng hơn, mẹ ơi!
Nói rồi, nó ôm chặt lấy em khóc nức nở. Từ ngày quen vợ chồng anh và
đi chùa cùng nhau, em bỗng nhận ra mình đã có thêm được một đứa con gái thứ
hai nữa vừa mới bước ra từ chuyện cổ tích về lòng hiếu thảo. Vậy mà trước đây
em nào có biết. Đây phải chăng cũng là do trời Phật độ trì, đúng không anh?
(Khi tôi viết bài này
thì bạn tôi đã sang Mỹ được 18 ngày rồi)
Hà Nội, 6/7/2016
Phúc Đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét