Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

SAO CON ĐI LẤY CHỒNG HÀN?

Lời Tác Giả: Một thống kê gần đây cho biết, mặc dù Việt Nam có bình quân thu nhập đầu người vào loại thấp nhất thế giới, nhưng mức tiêu thụ rượu bia đứng đầu Đông Nam Á và xếp hàng thứ tư của Châu Á. Việc nhậu nhẹt rượu bia chủ yếu xẩy ra đối với các quan chức công quyền trong khu vực nhà nước, nơi có hàng núi tiền chùa rơi vãi không ai kiểm soát được. Theo khảo sát của các nhà xã hội học, phần lớn các hợp đồng kinh tế, xây dựng và các quyết sách hành chính nhiều khi được ký kết ngay trên bàn ăn của các quán nhậu. Nhờ những quan chức mẫn cán với “nghiệp nhậu” đó, mà có những lúc các  nhà lãnh đạo nước “láng giềng bốn tốt” đã có thể dùng rượu Mao Đài và mỹ nhân kế để dịch chuyển các cột mốc Biên Giới và Biển Đảo của Tổ Quốc..

Cũng theo tâm sự của một cô dâu Việt tại đồng bằng sông Cửu Long lấy chồng Hàn, thì phần lớn bọn con trai làng cô đều nghiện ngập bia rượu, say bét nhè suốt ngày đêm, thô lỗ và bê trễ công việc kể cả công chức nhà nước. Nhiều ông chồng về nhà say xỉn đánh đập vợ con để lấy tiền đi nhậu. Nên các cô dâu Việt thà chịu khổ ở nước người nhưng tại đó còn có nhân quyền, tự do dân chủ và pháp luật bảo vệ, còn hơn ở quê nhà bị rượu bia chà đạp nhân phẩm mà không một cấp chính quyền nào cứu giúp.

SAO CON ĐI LẤY CHỒNG HÀN?

       Sao con đi lấy chồng Hàn?
Cách xa ngàn dặm tủi thân nhớ nhà
       Rời quê ly biệt mẹ cha
Nhỡ khi đau ốm ai là người chăm
       Quê mình đâu thiếu trai tân
Sao con không lấy, cho gần má ba?

       Má ơi trai Việt quê nhà(1)
Quanh năm nhậu nhẹt bê tha suốt ngày
       Chồng gì mà bét nhè say
Tiền xài không đủ về nài vợ đưa
       Vợ đâu có sẵn tiền chùa
Của dân đóng góp mà đưa dễ dàng

       Liều thân đi lấy chồng Hàn(2)
Số may thì được ân cần đón đưa
       Được yêu thương, được mong chờ
Có tiền nuôi dưỡng em thơ, mẹ nghèo
       Không may chẳng được chồng yêu
Thôi đành duyên phận cũng liều, biết sao!

       Còn hơn ruột thịt đồng bào
Đã nghèo còn xéo dày nhau suốt đời
       Bắc thang lên hỏi ông trời
Bao giờ trai Việt chịu rời hũ, be?
       Cho con được lấy chồng quê
Gần ba má để đi về sớm hôm

       Xin ba má chớ trách con
Không yêu biển đảo, nước non, giống nòi
       Đảo còn ít lắm má ơi
Hoàng Sa vào hũ Mao Đài còn đâu!(3)
       Biển Đông nay bọn đầu trâu
Đang dùng tửu sắc mời chào lũ say…

       Hàn Quốc non nước hôm nay
Nhân quyền coi trọng, không dày xéo dân
       Ước gì nước Việt mến thân
Ngày mai cũng giống nước Hàn mẹ ơi
       Để em con được làm người
Ngay trên non nước đất trời Việt Nam!

Hà Nội, 28/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn

GHI CHÚ:

 

(1)-  Người Việt tiêu thụ hàng tỉ lít bia/năm - và các bài viết liên quan ...


(2)-TÂM SỰ CỦA MỘT CÔ GÁI LẤY CHỒNG HÀN QUỐC Sưu Tầm 9x ...


(3)- Rượu Mao Đài- một trong 3 danh tửu thế giới - Thế giới rượu



(huy văn blog - http://danghuyvan.blogspot.com)


Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

ÔI! LÀNG TRỊNH NGUYỄN YÊU ƠI

Lời Tác Giả  Vừa rồi, có vụ bà con làng Trịnh Nguyễn đã biểu tình chống lại chính quyền thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh cưỡng chế thu hồi gần 21 ngàn m2 đất ruộng của dân tại Lỗ Vó, khu Dạ Cá ngay sát làng để xây “Nhà máy xử lý nước thải”. Bà con đã bức xúc làm đơn khiếu nại các cấp đề nghị xây “nhà máy” ra Đồng Khô xa khu dân cư nhưng chính quyền không chịu. Ngày 18/6/2013, chính quyền thị xã Từ Sơn đã cho hơn 100 công an và cán bộ xuống đàn áp dân để cưỡng chế đất, làm một bà già ngất xỉu, xéo giày lên cả trẻ con, nhưng bà con vẫn kiên quyết không bàn giao đất cho dự án. Đặc biệt ngày 4/7/2013, có kẻ đã thuê cả đầu gấu tạt a xít vào bà Đỗ Thi Thiêm làm bà bị bỏng rất nặng, nay đang phải điều trị tại Bệnh Viện Xanh Pôn. Sự việc này nay đang được khẩn trương điều tra làm rõ.

Cách đây ít hôm bọn họ lại tung tin, giải toả đồng Lỗ Vó là để xây dựng một “Trung tâm dạy nghề tại làng”, một chủ trương mà 3 năm nay không hề được nhắc tới, đã làm cho nhân dân càng nghi ngờ về tính minh bạch của quyết định thu hồi đất do chính quyền thị xã Từ Sơn ký năm 2010 để giao cho công ty Phú Điền xây dựng “Nhà máy xử lý nước thải” của tỉnh Bắc Ninh. Bài viết sau đây ghi lại lời tâm sự của một cựu chiến binh có cuộc tình dang dở với một người con gái quan họ nay đang kiên cường đấu tranh giữ đất tại làng Trịnh Nguyễn thời gian qua.


Ôi! Làng Trịnh Nguyễn yêu ơi
(Viết theo lời tâm sự của một cựu chién binh)

       Về làng Trịnh Nguyễn năm xưa
Vì say câu hát mà tơ tưởng người
       Hát “Làng quan họ quê tôi”(*)
Đung đưa ánh mắt nụ cười giao duyên
        Em thôn nữ, hay nàng tiên?
Mà mắt lúng liếng mạn thuyền nghiêng chao
         Áo tứ thân lộ yếm đào
Dải khăn xanh ngọc biết vào tay ai?

       Vừa bén duyên đã chia tay
Anh sang Căm Bốt kéo dài mấy năm
        Ngày về những muốn ghé thăm
Mà hay em đã lấy chồng sinh con
       Thôi lời hẹn bể thề non
Đành theo câu hát anh mang suốt đời
       Ôi! Làng Trịnh Nguyễn yêu ơi
Trót thương mà phải một đời dở dang

       Năm nay về lại hội làng
Người say câu hát tìm nàng ghé chơi
       Hỏi trăng, trăng nhoẻn miệng cười
Dẫn ra Lỗ Vó thăm người ngày xưa
       Cả khu Dạ Cá ngẩn ngơ
Bà con Trịnh Nguyễn quyết chờ dưới trăng
       Năm xưa đây cánh đồng quang
Đẹp như câu hát hội làng ngày xuân

       Nhưng nay thời cuộc xoay vần
Có Dự án quyết đuổi dân khỏi đồng
       Đền bù như thể cướp không
Để xây “nhà máy” còn trồng cấy chi
       Đồng Khô chúng để làm gì
Mà đem nước thải lùi về sát dân
       Làm đơn khiếu nại nhiều lần
Chẳng đâu xem xét cho dân được nhờ!

       Em rời quan họ bây giờ
Cùng dân Trịnh Nguyễn phất cờ đấu tranh
       Có người thuê cả lưu manh
Dùng a xít tạt để dằn mặt dân
       Đa phần là những thân nhân
Thương binh liệt sĩ thành phần ưu tiên
       Nhưng người ta chỉ cần tiền
Bất chấp luật pháp, “ưu tiên” để thờ!

       Chính quyền xuống khá bất ngờ
Nhưng dân Trịnh Nguyễn đã chờ từ đêm
       Thanh la não bạt trống chiêng
Gọi dân cả huyện hơn nghìn về đây
       Dân dù bị đánh thẳng tay
Bà già bị ngất, dẫm giày trẻ thơ
       Nhưng em vẫn vững tay cờ
Ngày xưa duyên dáng, bây giờ hùng anh!

       Ôi còn đâu nữa ngày xanh!
Chỉ còn câu hát anh giành tặng em
       Sông Cầu dòng nước xanh êm
Sông Thương vẫn đợi cuối miền thuỷ chung!

Hà Nội, 20/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn
      
(*). Video: Làng quan họ quê tôi – Anh thơ - Làng nghề Bắc Ninh

“Làng quan họ quê tôi” là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đã được chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc trước đây tặng giải thưởng đặc biệt năm 1981.     
      
(Nguồn: http:/danghuyvan.blogspot.com)      

               

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

"VỌNG PHU" TRÊN ĐẢO LÝ SƠN

Lời Tác Giả: Tôi rất bức xúc khi đọc được tin hai tàu cá huyện đảo Lý Sơn của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc cướp phá ngày 7/7/2013 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Và càng đau đớn hơn khi biết từ ngày TQ cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta, mỗi lần ngư dân ta vào HS đánh cá hoặc tránh bão đều bị quân TQ đuổi ra khiến nhiều ngư dân bị lâm nạn, chết rất thương tâm. Vì thế, huyện đảo Lý Sơn chỉ rộng 10 Km2 với hơn 2 vạn dân mà có tới hơn 500 người phụ nữ phải sống đơn thân do có chồng bị chết trên biển vì giặc Tàu hoặc bão tố. Cuộc sống của những nàng “Vọng Phu” này hiện nay rất khó khăn khi không còn lao động chính của gia đình mà còn phải nuôi bố mẹ già và con nhỏ. Bài viết này chỉ là vài dòng tâm tư để chia sẻ với những người goá phụ không may mắn đó.

“VỌNG PHU” TRÊN ĐẢO LÝ SƠN

       “Vọng Phu” trên đảo Lý Sơn (1)
Tháng ngày khắc khoải nuôi con ngóng chổng
       Nhìn ra cảng biển mênh mông
Người tàu đầy cá, người không trở về!

       Trải trăm năm lễ Khao Lề(2)
Tiễn chinh phu thẳng hướng về đảo xa
       “Biển Đông là nước non nhà!”
Lời xưa Hải Đội Hoàng Sa tuyên thề

       Ra đi không hẹn ngày về
Gia Long Chiếu Chỉ còn ghi tháng ngày(3)
       Mình về nuôi má, ba thay
Thương anh Mộ Gió đơm đầy khói nhang!

       Ba trăm năm, vạn cái tang
Xác chìm đáy biển, dạt lang thang hồn
       Những chiều khuất bóng hoàng hôn
Chim trời vỗ cánh cô hồn đợi ai?

       Bốn ngàn năm nước non này
Đã bao nước mắt chảy đầy biển khơi
       Mà giờ hải đảo xa xôi
“Nhà yêu nước” bảo “đất người” là sao?

       Giặc xông lên xé cờ đào(4)
Đánh người, cướp cá, phá tàu dân ta
       Đâu rồi Hải Đội Hoàng Sa?
Cứu ngư dân, cứu nước nhà Việt Nam!

       Kêu vua, vua bận hội đàm
"Ngoại giao chiến lược" ở tầm vĩ mô
       Kêu quan, quan bảo chớ lo
Còn tình "hữu nghị" bác Hồ, bác Mao!

       Hỏi trời, trời ở quá cao
Hỏi biển, biển bảo giặc Tàu xâm lăng
       Hỏi hồn Hải Chiến lang thang(5)
Đâu còn non nước Trường, Hoàng, Biển Đông!

       Hỏi năm trăm chị goá chồng
Sống trên huyện đảo cầu mong điều gì?
       Cầu sao Tàu Cộng xéo đi
Trường-Hoàng Sa, sớm trở về nước non!

 Hà Nội, 17/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn

GHI CHÚ:
       

(1)-  Lý Sơn không có nàng Tô Thị | ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM - VOV.VN


(2)- Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi ...

giaoduc.net.vn/Xa-hoi/...Ly-Son.../293844.gd

(3)- Vua Gia Long nhiều lần phái quân ra Hoàng Sa để khảo sát thủy ...

www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm...

(4)- Tàu TQ cướp phá tàu cá VN như thế nào?

www.rfa.org/.../viet-fishermen-attacked-by-cn-gm-07...
      

(5)- Hải chiến Hoàng Sa 1974 – Wikipedia tiếng Việt

vi.wikipedia.org/wiki/Hải_chiến_Hoàng_Sa_1974

(Nguồn: http://danghuyvan.blogspot.com)

      

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

NHỚ SAO LỜI HÁT MẸ RU

(Kính dâng sinh nhật lần thứ 100 của mẹ)

Nhớ sao sâu lắng câu Kiều
Từ trong tâm khảm những chiều mẹ ru
Ngay trên quê của Nguyễn Du
Tự bao giờ đến bao giờ, mẹ ơi!

Nhớ sao những buổi đẹp trời
Xưa con theo mẹ cùng vui Hội Làng
Câu hò ví dặm đa đoan
Yến anh phường vải hai làng đối ca

Nhớ sao những cánh đồng xa
Thuở con theo mẹ giúp bà hái bông
Những chiều cùng mẹ tắm sông
Bắt trai, mò hến mãi không muốn về

Nhớ sao chợ huyện, chợ quê
Trông em đợi bánh chiều về mẹ mua
Nhớ đêm theo mẹ lên Chùa
Cùng ông sắm lễ xin bùa cho em

Nhớ sao những ánh trăng đêm
Mẹ ngồi giở sách ngoài thềm dạy con
Chữ “O” là quả trứng tròn
Chữ “Ô” thêm nón, mẹ còn nhớ không

Nhớ sao những tối mùa đông
Ngủ quên bên bếp, mẹ bồng ổ rơm
Tháng mười gạo ré dẻo thơm
Lúa mùa vừa gặt, con cơm với cà

Nhớ sao trường cũ gần nhà
Con hay trốn học, ông bà buồn đau:
“Thôi về giúp mẹ chăn trâu!
“Ba năm lớp Một, học nào ích chi?”

Nhớ sao xuôi ngược thuyền bè
Ngày đêm tấp nập sông quê một thời
Mùa mưa đồng ngập trắng trời
Con theo anh lớn chèo bơi đơm cò

Nhớ sao phiên chợ bến đò
Ngày 3 ngày 8 mẹ chờ nục cơm
Về từ cửa Hội chiều hôm
Đêm xanh lục cá, cua, tôm…trên bờ

Nhớ sao lời hát mẹ ru
Câu Kiều trên võng bây giờ còn đây
Nay con ru cháu mỗi ngày
Mà như lời mẹ đâu đây vọng về

Mẹ ơi còn đó làng quê
Sông Lam vẫn chảy, đồi chè còn kia
Non Hồng một cõi đi về
Tình thâm mẫu tử sớm khuya mãi còn

Hà Nội, 14/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn

(Nguồn: http://danghuyvan.blogspot.com) 

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

MẸ LÀ HỒN VIỆT BAO ĐỜI




       Mẹ là lời hát “ầu ơ”
Ru con trên võng ngày chưa đến trường
       Mẹ là nỗi nhớ niềm thương
Để cha mang nặng tơ vương một đời

       Mẹ là tia nắng rạng ngời
Cho con sưởi ấm tiết trời ngày đông
       Mẹ là những đoá sen hồng
Cho con mang cắm lăng ông mộ bà
        
       Mẹ là những khúc dân ca
Cho con hát thuở xa nhà nhớ quê
       Mẹ là đàn én bay về
Cho mùa xuân đến tràn trề nắng xuân

       Mẹ là những tiếng chuông ngân
Nhắc con biết sống nghĩa nhân ở đời
       Mẹ là những hạt mưa rơi
Thấm dần vào đất một thời đau thương

       Mẹ là cô giáo đến trường
Dạy con khi mế lên nương chưa về
       Mẹ là một khúc sông quê
Cho con ngụp lặn trưa hè dưới sông

       Mẹ là biển cả mênh mông
Cho con tôm cá Biển Đông đầy thuyền
       Mẹ là Phật Mẫu, Bà Tiên
Giúp con gìn giữ những miền đảo xa

       Mẹ là điệp khúc tình ca
Hát lên từ Đất, Nước, Nhà, Núi, Sông
       Mẹ là lời của Cha Ông
Biển Đông ngàn dặm quyết không cắt rời!

       Mẹ là Hồn Việt bao đời
Trách người sao nỡ quên lời mẹ ru?
       Anh em chia rẽ oán thù
Ngoại xâm, khúm núm tôn thờ “hiền huynh”!

        Mẹ là Bà Triệu Thị Trình(*)
Thề cưỡi sóng chém cá kình Biển Đông
         Đuổi quân Bắc Thuộc cuồng ngông
Quyết hi sinh để Non Sông vững bền!

 Hà Nội, 11/7/2013
 Ts.Đặng Huy Văn

(*). Bà Triệu – Wikipedia tiếng Việt

Bà Triêu Thị Trinh (225-248) khởi nghĩa chống quân Ngô thời Bắc Thuộc với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”
    
(Nguồn: http://danghuyvan.blogspot.com)   


    

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

CHÁU NỘI ĐẾN TRƯỜNG

(Mến tặng bà nội của cháu)

Cháu nội đến trường
Mẹ đưa đi học
Cháu ngoan không khóc
Bà nội có thương?

Cháu học ở lớp
Được cô giáo yêu
Bạn bè cùng tuổi
Cháu có rất nhiều

Cô dạy chúng cháu
Bày các trò chơi
Nhiều trò rất lạ
Thích lắm bà ơi!

Trong các bữa ăn
Cô dạy tự xúc
Ăn xong cô dục
Lau miệng bằng khăn

Khi nào rửa tay
Xà phòng bôi trước
Cháu đã làm được
Bà xem cháu này!

Cô dạy cháu hát
Các bài nhi đồng
Cháu bà thuộc hết
Bà có thích không?

Cô dạy ngủ trưa
Nằm cùng các bạn
Cô phạt ai chưa
Vâng lời cô dặn

Bà nội yêu ơi!
Cháu đi nhà trẻ
Dù xa bà, mẹ
Mà lòng rất vui

Cháu cùng các bạn
Thích hát nhất bài
“Cháu yêu bà lắm!”
Ông bà có hay?

Hà Nội, 9/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn


Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

TRĂM NĂM TÌNH MẸ CÒN ĐÂY!

Lời Con Trai: Mẹ sinh năm 1913. Năm nay, 2013, mẹ đã tròn một trăm tuổi. Mẹ mất ngày 16 tháng Tám năm Đinh Hợi, tức ngày 26/ 9/2007, hưởng thọ 94 tuổi. Nghĩ lại một cuộc đời  phải mồ côi mẹ ở tuổi lên 5, mồ côi cha tuổi lên 10, lấy chồng suốt đời đi hoạt động cách mạng nên không đỡ đần được mẹ để nuôi dưỡng 5 người con trai cũng như trợ giúp kinh tế cho gia đình mà lòng con tê tái. Nhớ những năm CCRĐ (Giáp Ngọ, Ất Mùi: 1954-1955) mình mẹ phải lo nuôi 5 đứa con nhỏ khi trong nhà không còn hạt gạo nào để ăn mà lòng con càng xót xa. Kể cả những ngày cơ cực ấy, mẹ cũng chưa bao giờ kêu than số phận, chỉ thấy đêm đêm mẹ ngâm Kiều cho khuây khoả. Rồi hai cái tang cách nhau vài tháng cuối 1955 của ông bà nội tưởng đã làm mẹ bị gục ngã. Nhưng ngày 6/1/1967, một cái tang khủng khiếp đã làm mẹ gục ngã hoàn toàn, đó là cái chết của em Tư khi em vừa tròn 20 tuổi, lúc em đang ở Đội TNXP làm đường 21 tại Quảng Bình thì bị bom Mỹ giết hại. Từ đó, mẹ bị bệnh tim và đau yếu thường xuyên.

Năm 1989, cha bị bệnh qua đời và từ đó, mẹ phải ở với anh Hai, một người nông dân nghèo nhưng biết chịu khó, chịu khổ. Nhờ sự săn sóc của gia đình anh Hai và thuốc thang của anh Cả mà mẹ sống thêm được 18 năm nữa. Mẹ đã qua đời vào đúng buổi sáng ngày cầu dẫn Cần Thơ bị sụp đổ, 26/9/2007, làm hàng chục công nhân bị chết oan uổng. Con viết bài này để khóc thương cho số phận của một đời người, nhân sinh nhật lần thứ 100 của mẹ.

Trăm năm tình mẹ còn đây!
(Kính viếng hương hồn mẹ dấu yêu)

      Mẹ quy tiên tuổi chín tư
Nếu trời cho thọ bây giờ chẵn trăm
      Giường cao sao mẹ không nằm
Mà nằm dưới mộ âm thầm mẹ ơi!
      Sáu năm góc bể chân trời
Âm dương cách biệt ai người hỏi thăm!

      Mồ côi mẹ thuở lên năm
Vừa đầy mười tuổi đã nằm khóc cha!
      Ngoại đưa về sống cùng bà
Nuôi ăn, nuôi học nết na tinh tường
      Sống trong yên ấm yêu thương
Học từ bà ngoại trăm đường giỏi giang

      Nay Phan Thiết, mai Nha Trang
Cùng bà lo liệu bạn hàng đón đưa
      Con nghe mẹ kể ngày xưa
Nhiều năm mẹ đã bán mua giúp bà
      Nay khách gần, mai khách xa
Một mình lo liệu được bà tin yêu

      Đêm đêm bà dạy ngâm Kiều
Nghe như ai tỏ lời yêu cháu bà
      Tình cờ một buổi gặp cha
Trời xe duyên tuổi hâm ba lấy chồng
      Cha vừa mãn ngục Kon Tum
Một thiên nam tử quyết lòng đánh Tây

      Cha đi hoạt động đó đây
Hôm qua Căm Bốt, hôm nay Sài Gòn
      Ở nhà mình mẹ lo toan
Ma chay giỗ chạp, nuôi đàn con thơ
      Gánh hàng vai mẹ sớm trưa
Chợ Đồn, chợ Tỉnh, chợ Chùa…luân phiên

      Ru con bờ võng đêm đêm
Hút hồn con trẻ cả thiên Truyện Kiều
      Lời vui nào có bao nhiêu
Lời buồn dìu dặt trăm điều trái ngang
      Mà như tiếng ngọc lời vàng
Khắc vào tâm khảm con mang suốt đời

      Phải chăng Kiều báo mộng rồi
Ất Mùi đời mẹ gặp thời lưu manh?
      “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh
“Rụng rời khung dệt, tan tành gối mai
      “Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
“Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham!”(*)

      Không còn hạt gạo nào ăn
Rau má đào dần luộc lẫn ngọn khoai
      Thương em Năm tuổi hơn hai
Chỉ húp nước cháo với vài cọng rau
      Đói lòng dắt díu theo nhau
Đi ăn xin những tháng đầu gian nan

      Không hề quỵ lụỵ khóc than
Một mình mẹ liệu dần dần cũng qua
      Các con đi ở gần xa
Kiếm thêm khoai sắn về nhà nuôi nhau
      Làng Đông Công Giáo đồng bào
Nghe lời Cha Đạo góp vào cưu mang

      Qua hai năm trở về làng
Chúng con đi học đàng hoàng như ai
      Mẹ, con cấy lúa trồng khoai
Chăn tằm, dệt lụa tháng ngày chẳng ngơi
      Chưa bao giờ được thảnh thơi
Nuôi con khôn lớn lần hồi đi xa

      Chiến tranh Nam Bắc nổ ra
Cha, anh làm việc gần nhà mẹ hơn
      Em Tư nhập ngũ lên đường
Xung phong ra trận được hơn năm trời
      Tin nghe sét đánh rụng rời
Mảnh bom Mỹ đã cướp đời của em!

      Cuối đông buốt giá đêm đêm
Có ai thấu được nỗi niềm mẹ không?
      Tim đau nhức buổi tàn đông
Em Năm nghỉ học hết lòng chăm nuôi
      Niềm đau lòng mẹ dần vơi
Trách chi số kiếp gặp thời đạn bom!

      Trời thương rồi cũng vuông tròn
Đời nghèo đã dạy chúng con nên người
      Thương cha tận tuỵ một đời
Mà khi đau ốm không nơi dưỡng già
      Túp lều tranh để xác xa
Trời cao cũng khóc, nhà nhà chạnh thương

      Cha đi để lại con đường
Bốn con đi tiếp dặm trường nhớ cha
      Suốt đời cha ước nước Nga
Là “thiên đường” để dân ta hướng về
      Vừa hai năm biệt ly quê
Nước Nga Xô Viết đã về cùng cha!

      Mẹ thêm chắt gọi cụ bà
Mười tám năm sống xa cha não lòng
      Chúng con nay đã thành ông
Biết thương cha mẹ mà không thể rồi!
      Trung Thu Đinh Hợi mẹ ơi!
Đếm từng phút cuối mẹ ngồi đợi con!

      Năm nay trăm tuổi mẹ tròn
Cầu hương hồn mẹ cho con giải bày
      Trăm năm tình mẹ còn đây!
Lời nào kể xiết tháng ngày mẹ thương!

       Hà Nội, ngày 6/7/2013
      Con trai: Đặng Huy Văn

(*). Bốn câu thơ này trích từ “Truyện Kiều” của Đại Thi Hào Dân Tộc Nguyễn Du, NXB. VHTT, 2003, do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.



Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

LẦN THEO TỪNG GIỌT NẮNG

(Viết tặng cháu nội của ông)

Cháu đi dạo cùng ông
Lần theo từng giọt nắng
Bởi bầu trời mênh mông
Bị vòm cây che chắn

Nắng rơi từ vòm lá
Thành hình những bóng bay
Lăn trên đường khéo quá
Ông ơi nhặt chúng này!

Cháu lần theo giọt nắng
Nhặt về cho em chơi
Nhưng nhặt hoài chẳng được
Bởi vì sao ông ơi?

Rồi bỗng cơn mưa đến
Giọt nắng biến mất rồi
Những vòm cây vẫn đó
Xối xả giọt mưa rơi

Mưa trắng đường rào rạt
Mưa che cả mặt trời
Biết tìm đâu giọt nắng
Mang về cho em chơi?

Lần sau ông nhớ đón
Em cháu cùng đi chơi
Để anh em cùng nhặt
Giọt nắng vàng ông ơi!

Hà Nội, 2/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn




CÒN ĐÂU SÔNG NHUỆ NGÀY XƯA!

Lời Tác Giả: Đọc bài viết “Gửi thủ tướng Ba Dũng” đăng ngày 24/6/2013 của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi rất xúc động. Đặc biệt khi xem Video Clip cưỡng cướp đất của một bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tại phường Cẩm Bình, tôi không cầm được nước mắt. Nhân được nghe câu chuyện về cưỡng cướp đất của gia đình một người bạn gái nhà tôi sinh ra và lớn lên ven dòng sông Nhuệ, tôi chợt nhận ra trên đất nước mình ở nơi nào người dân cũng bị cướp đất một cách tàn bạo. Ngay những dự án BĐS ở quận Hà Đông bên bờ Sông Nhuệ như Văn Phú, Văn Khê, Dương Nội…cũng làm cho bà con rất bức xúc. Đặc biệt, tại phường Dương Nội, chúng còn cho xe chở đất lấp trộm hàng trăm ngôi mộ của dân trong một đêm và cưỡng chế hàng chục hecta đất bất hợp pháp của bà con Dương Nội khiến họ phải ra giữ đất cả ngày 30 và mùng 1 Tết, mà nay vẫn chưa được giải quyết.

Bỗng vang lên bên tai lời bài hát Người Con Gái Việt: “Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ, bãi dâu mươn mướt xanh bờ…”, tôi đã phải vừa lau nước mắt vừa viết nên bài lục bát này để tưởng nhớ về một thời nhà tôi và những người bạn gái của cô ấy đã cùng nhau chăn tằm, dệt lụa, hái dâu và tắm mát bên dòng sông một thời thơ mộng ấy.

CÒN ĐÂU SÔNG NHUỆ NGÀY XƯA!

(Viết tặng một thời để nhớ của nhà tôi
và các bạn gái của cô ấy)

       Còn đâu sông Nhuệ ngày xưa!
Bãi dâu mươn mướt xanh bờ sông sâu
       Còn đâu yếm thắm lụa đào
Trao tay nhau lỡ qua cầu gió bay

       Còn đâu quê lụa Hà Tây
Thuở anh sắm lễ đợi ngày đón em
       Còn đâu dòng nước xanh êm
Trăng soi thiếu nữ tắm tiên dưới cầu

       Còn đâu thuở nhỏ chăn trâu
Thi nhau bơi lội khúc đầu làng em
       Còn đâu nữa ánh trăng đêm
Ru bờ tre ngủ giữa miền hoang sơ

       Còn đâu bè vó bơ vơ
Dân chài buông lưới ngồi chờ trăng lên
       Còn đâu những buổi chong đèn
Đêm đêm phụ giúp mẹ hiền quay tơ

       Còn đâu anh khoá ngẩn ngơ
Phải lòng thục nữ làm thơ dâng nàng
       Còn đâu cái thuở lang thang
Xuôi dòng sông ngắm xóm làng yên vui

      Cầm tay nhau dạ bồi hồi
Đâu rồi sông Nhuệ một thời vấn vương
       Còn chăng đò dọc, đò ngang
Anh thuê một chuyến đưa nàng rời quê

       Bởi giờ Dương Nội, Văn Khê…
Nhà cao đâm nát trời quê não lòng
       Đất hương hoả của cha ông
Chúng đang cưỡng chế mà không đền bù

       Mẹ già gào tựa trẻ thơ
Còn chút đất thờ chúng cũng cướp không
       Ngày xưa đất lúa mênh mông
Nay xây đô thị thành vùng bỏ hoang

       Chúng vùi lấp cả nghĩa trang
Làm dân Dương Nội bàng hoàng đớn đau
       Ba mươi Tết cũng cờ đào
Đòi đất, đòi ruộng đồng bào đứng lên

       Chống quân tham nhũng đê hèn
Biển Đông sợ giặc, đất liền nạt dân
       Em ơi bè đảng bất nhân
Gieo gió ắt gặt bão gần bão xa

       Về xây lại mộ mẹ cha
Ruộng Vườn, Biển Đảo của ta quyết đòi!

Hà Đông, 2/7/2013
Ts. Đặng Huy Văn

(Nguồn: huy văn blog

danghuyvan.blogspot.com/‎)